Tranh chấp về thừa kế

Chia tài sản và tranh chấp về thừa kế. Tranh chấp quyền sử dụng đất trong gia đình, điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Chia tài sản và tranh chấp về thừa kế. Tranh chấp quyền sử dụng đất trong gia đình, điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.


Tóm tắt câu hỏi:

Gia đình nhà anh A cạnh nhà em muốn làm lại sổ bìa đỏ bởi vì tên của sổ đó là tên của ông nội anh A. Ông nội anh A có 5 người con, 4 trai và 1 gái. ông nội anh A khi còn sống đã chia đều đất cũng như tài sản cho các con của mình và giữ lại phần của ông và 2 vợ chồng ông quyết định cùng số tài sản và đất đai còn lại ở với người con trai út là bố của anh A. các con được ông chia đất thỳ đã ra đó ở riêng xây dựng gia đình và làm sổ bìa đỏ cho những mảnh đất đó. Còn người con út (bố anh A) do ông ở cùng nên không làm lại sổ và vẫn đứng tên ông. Sau này ông cụ mất đi, người con trai út đó muốn làm sổ sang tên mình nhưng do yêu cầu pháp lý phải có biên bản họp gia đình do các anh em đồng ý là đất đai do ông để lại và không chanh chấp nữa, nhưng vì đại gia đình nhà này vốn bất hòa nên việc họp là rất khó, các anh em cũng nổi lòng tham muốn về lấy tiếp thì sao, mặc dù là họ được chia rồi, nhưng ngày đó chia là chia bằng miệng bằng tay chứ không có giấy tờ pháp lý của ông nội. Nên sổ đỏ đó vẫn đứng tên ông nội, người con út này rồi cũng mất (lúc này bà nội vẫn còn). Thì người vợ (mẹ anh A) buộc phải chuyển sổ đó sang tên mình bởi không lẽ gì mà 2 vợ chồng họ ở với ông bà mà cuối cùng trên luật pháp còn không có cả cái sổ bìa đỏ. Thời gian sau đó bà nội cũng mất có để lại một bản di chúc giao toàn bộ tài sản và đất đai cho người con dâu này, hợp tình hợp lý. Nhưng vấn đề lặp lại một lần nữa là làm thế nào để lấy được những chữ ký thống nhất của các anh chị em của chồng mình? Mà thời gian thì đã trải qua từ ông nội, chồng, mẹ chồng, con (anh em của anh A), cháu (con anh A) em xin phép được hỏi quý luật sư rằng với trường hợp trên thì mẹ anh A có được cấp thẳng sổ bìa đỏ mà không phải qua những giai đoạn họp gia đình không, bởi lẽ mảnh đất đó vợ chồng cô ấy đã trực tiếp đóng thuế nhiều năm cũng như chăm lo ông bà cụ là hợp tình hợp lý đây là một câu chuyện có thật, đang xảy ra cạnh nhà em, trong thời gian này, do anh A có nhiều khiếm khuyết cá nhân nên nhờ em hỏi giúp chân thành cảm ơn quý luật sư!

Luật sư tư vấn:

Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:

Theo thông tin bạn cung cấp thì hiện tại trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đang mang tên ông nội. Do chưa có đầy đủ thông tin cung cấp về tài sản và thời gian xảy ra sự kiên nên xử lý như sau:

Xác định đây có thể là tài sản chung của ông bà

Tại khoản 1, 2 Điều 223 Bộ luật dân sự năm 2005 có quy định về định đoạt tài sản chung như sau:

“Điều 223. Định đoạt tài sản chung

1. Mỗi chủ sở hữu chung theo phần có quyền định đoạt phần quyền sở hữu của mình theo thoả thuận hoặc theo quy định của pháp luật.

2. Việc định đoạt tài sản chung hợp nhất được thực hiện theo thoả thuận của các chủ sở hữu chung hoặc theo quy định của pháp luật”.

Căn cứ vào quy định này mỗi chủ sở hữu chung theo phần có quyền định đoạt phần quyền sở hữu của mình theo thoả thuận hoặc theo quy định của pháp luật;

Việc định đoạt tài sản chung hợp nhất được thực hiện theo thoả thuận của các chủ sở hữu chung hoặc theo quy định của pháp luật.

Trong trường hợp của bạn, bạn có nêu, bà nội có để lại di chúc cho con dâu toàn bộ tài sản và đất đai cho người con dâu. Tuy nhiên, giấy chứng nhận quyền sử đụng đất lại mang tên ông nội nên tài sản vẫn thuộc quyền quyết định của ông. Trường hợp ông nội mất không để lại di chúc thì phần di sản của ông để lại sẽ được chia theo pháp luật (căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 675 Bộ luật dân sự năm 2005).

Tại Điều 676 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định về những người thừa kế theo pháp luật như sau:

“Điều 676. Người thừa kế theo pháp luật

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản”.

Trường hợp ông mất không để lại di chúc thì bà nội và 5 người con của ông sẽ là người được hưởng phần di sản mà ông nội để lại.

Về tính hiệu lực di chúc của bà nội:

Tại Điều 631 và Điều 646 Bộ luật dân sự năm 2005 có quy định như sau:

Điều 631. Quyền thừa kế của cá nhân

Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật”.

“Điều 646. Di chúc

Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết”.

Căn cứ vào quy định của Bộ luật dân sự thì cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình. Thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.

Trong trường hợp của bạn, bạn có nêu: “Bà nội cũng mất có để lại một bản di chúc giao toàn bộ tài sản và đất đai cho người con dâu”. Xét vào quy định của pháp luật thì bà nội chỉ có quyền định đoạt phần tài sản thuộc sở hữu của bà nội, chứ không có quyền định đoạt cả phần di sản của ông nội để lại mà chưa được chia thừa kế. Như vậy, di chúc của bà nội để lại là không có hiệu lực pháp luật, do di chúc không có hiệu lực pháp luật, vì vậy di sản của bà sẽ được chia theo pháp luật (quy định tại Điều 676 Bộ luật dân sự năm 2005) bao gồm 5 người con của bà. Trường hợp bố của A là con út của bà mất thì phần thừa kế sẽ được chia cho các con của người con út, tại Điều 677 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định về chia thừa kế thế vị như sau:

Điều 677. Thừa kế thế vị

Trong trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống”.

 Như vậy, phần tài sản và đất đai của ông bà sẽ được chia theo pháp luật, nếu như 1 người muốn hưởng toàn bộ phần tài sản và căn nhà thì phải có văn bản họp những người được hưởng thừa kế được công chứng hoặc chứng thực về việc những người được hưởng thừa kế từ chối nhận di sản thì mới có thể chuyển quyền sử dụng đất cho một người.

Tại khoản 2 Điều 642 Bộ luật dân sự 2005 có quy định như sau: “Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản; người từ chối phải báo cho những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản, cơ quan công chứng hoặc ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có địa điểm mở thừa kế về việc từ chối nhận di sản”.

Chia-tai-san-va-tranh-chap-ve-thua-ke

>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568

Như vậy, đối với trường hợp của bạn bắt buộc phải có văn bản họp gia đình. Văn bản họp gia đình được hiểu là văn bản thỏa thuận về việc phân chia hoặc từ chối nhận di sản được công chứng hoặc chứng thực. Trong trường hợp người con dâu có thể đứng tên sở hữu toàn bộ căn nhà phải có văn bản từ chối nhận di sản của những người được có quyền được hưởng thừa kế theo pháp luật.