Thủ tục nhà đầu tư nước ngoài thành lập cơ sở bán lẻ tại Việt Nam

Theo Nghị định 09/2018/NĐ-CP, các tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài khi muốn lập cơ sở bán lẻ tại Việt Nam cần phải được cấp Giấy phép lập cơ sở bán lẻ.

Điều kiện để được cấp Giấy phép lập cơ sở bán lẻ của công ty có vốn đầu tư nước ngoài:

Đối với việc lập cơ sở bán lẻ thứ nhất:

  • Có kế hoạch về tài chính để lập cơ sở bán lẻ;
  • Không còn nợ thuế quá hạn trong trường hợp đã được thành lập tại Việt Nam từ 01 năm trở lên;
  • Địa điểm lập cơ sở bán lẻ phù hợp với quy hoạch có liên quan tại khu vực thị trường địa lý.

Việc lập cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở bán lẻ thứ nhất:

Theo quy định của pháp luật thì khi lập cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở bán lẻ thực nhất, các nhà đầu tư phải thực hiện kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT), trừ trường hợp cơ sở bán lẻ đó có diện tích dưới 500m2, được lập trong trung tâm thương mại và không thuộc loại hình cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini. Như vậy, tùy từng trường hợp mà nhà đầu tư cần đáp ứng điều kiện khác nhau để được Cấp Giấy phép lập cơ sở bán lẻ:

  • Trường hợp không phải thực hiện kiểm tra nhu cầu kinh tế:

Đáp ứng điều kiện tương ứng với điều kiện lập cơ sở bán lẻ thứ nhất;

  • Trường hợp phải thực hiện kiểm tra nhu cầu kinh tế:

Đáp ứng điều kiện giống trường hợp lập cơ sở bán lẻ thứ nhất và đáp ứng tiêu chí Kiểm tra nhu cầu kinh tế:

  • Quy mô của khu vực thị trường địa lý chịu ảnh hưởng khi cơ sở bán lẻ hoạt động;
  • Số lượng các cơ sở bán lẻ đang hoạt động trong khu vực thị trường địa lý;
  • Tác động của cơ sở bán lẻ tới sự ổn định của thị tường và hoạt động kinh doanh của các cơ sở bán lẻ, chợ truyền thống trong khu vực thị trường địa lý;
  • Ảnh hưởng của cơ sở bán lẻ tới mật độ giao thông, vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy trong khu vực thị trường địa lý;
  • Khả năng đóng góp của cơ sở bán lẻ đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của khu vực thị trường địa lý.

Hồ sơ cấp Giấy phép lập cơ sở bán lẻ của công ty có vốn đầu tư nước ngoài:

  1. Đơn đề nghị cấp Giấy phép lập cơ sở bán lẻ (theo mẫu);
  2. Bản giải trình;
  3. Tài liệu của cơ quan thuế chứng minh không còn nợ thuế quá hạn.
  4. Bản sao: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án lập cơ sở bán lẻ (nếu có); Giấy phép kinh doanh.
  5. Bản giải trình các tiêu chí ENT (đối với một số tiêu chí theo quy định) trong trường hợp phải thực hiện ENT.

Hồ sơ được nộp đến Sở công thương nơi tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đặt trụ sở chính. Tùy theo trường hợp pháp luật quy định mà Sở công thương cấp giấy phép cho những hồ sơ sau khi đáp ứng đủ điều kiện hoặc sau khi lấy ý kiến của Bộ Công Thương, bộ quản lý ngành.

Trình tự cấp Giấy phép lập cơ sở bán lẻ đối với công ty có vốn đầu tư nước ngoài:

Trường hợp cấp Giấy phép lập cơ sở bán lẻ và cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở bán lẻ thứ nhất không phải thực hiện thủ tục ENT:

Nhà đầu tư gửi hồ sơ đến Sở Công thương nơi tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đặt cơ sở bán lẻ. Nếu hồ sơ đáp ứng điều kiện, Cơ quan Cấp phép gửi hồ sơ lấy ý kiến Bộ Công Thương và chỉ thực hiện việc cấp Giấy phép lập cơ sở bản lẻ cho nhà đầu tư sau khi có văn bản chấp thuận của Bộ Công Thương.

Trường hợp cấp Giấy phép lập cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở bán lẻ thực nhất mà phải thực hiện ENT:

Khi nhận được hồ sơ đủ điều kiện, Cơ quan cấp phép đề xuất thành lập Hội đồng ENT. Sau khi có văn bản kết luận đề xuất cấp phép của Chủ tịch hội đồng ENT, Sở công thương có thẩm quyền gửi hồ sơ kèm theo văn bản lấy ý kiến Bộ Công Thương. Sở công thương thực hiện cấp Giấy phép cho nhà đầu tư sau khi nhận được văn bản chấp thuận của Bộ Công Thương.

Giấy phép lập cơ sở bán lẻ có các nội dung sau:

  • Tên, mã số doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính;
  • Tên, địa chỉ của cơ sở bán lẻ;
  • Loại hình cơ sở bán lẻ;
  • Quy mô cơ sở bán lẻ;
  • Các nội dung khác;
  • Thời hạn của Giấy phép lập cơ sở bán lẻ.