Khái niệm cưỡng chế thi hành án
Hoạt động thi hành án dân sự và thi hành án hình sự đối với pháp nhân được thực hiện theo nguyên tắc và trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Thi hành án dân sự, các văn bản hướng dẫn thi hành và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Cưỡng chế thi hành án là thuật ngữ xuất hiện nhiều trong pháp luật dân sự. Cưỡng chế thi hành án hình sự chỉ áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội. Cưỡng chế thi hành án dân sự là hoạt động của cơ quan có thẩm quyền, dùng quyền lực của mình để đảm bảo việc thi hành trên thực tế quyền và nghĩa vụ của các chủ thể liên quan trong quyết định, bản án được thi hành theo thủ tục thi hành án. Khi các chủ thể phải thi hành án không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ được nêu trong quyết định, bản án. Chủ thể có thẩm quyền nêu trên sẽ áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành đối với người phải thi hành án. Các biện pháp cưỡng chế thi hành án theo quy định của pháp luật bao gồm:
- Khấu trừ tiền trong tài khoản; thu hồi, xử lý tiền, giấy tờ có giá của người phải thi hành án.
- Trừ vào thu nhập của người phải thi hành án.
- Kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án, kể cả tài sản đang do người thứ ba giữ.
- Khai thác tài sản của người phải thi hành án.
- Buộc chuyển giao vật, chuyển giao quyền tài sản, giấy tờ.
- Buộc người phải thi hành án thực hiện hoặc không được thực hiện công việc nhất định.
Trình tự, thủ tục cưỡng chế thi hành án
Cưỡng chế thi hành án dân sự
Bước 1: Ra quyết định cưỡng chế thi hành án
Căn cứ Điều 45, Điều 46 Luật Thi hành án Dân sự 2008 sửa đổi, bổ sung 2014, sau 15 ngày kể từ ngày người phải thi hành án nhận được hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án, người phải thi hành án không chấp hành sẽ bị cưỡng chế.
Bước 2: Lập kế hoạch cưỡng chế
Trước khi tiến hành cưỡng chế thi hành án, chấp hành viên phải lập kế hoạch cưỡng chế theo quy định tại Điều 72 Luật Thi hành án Dân sự 2008, sửa đổi, bổ sung 2014, kế hoạch cưỡng chế bao gồm các nội dung: Tên người bị áp dụng biện pháp cưỡng chế; Biện pháp cưỡng chế cần áp dụng; Thời gian, địa điểm cưỡng chế; Phương án tiến hành cưỡng chế; Yêu cầu về lực lượng tham gia bảo vệ cưỡng chế; Dự trù chi phí cưỡng chế.
Bước 3: Tiến hành cưỡng chế
Tiến hành cưỡng chế được thực hiện tại nơi có tài sản hoặc đối tượng cần cưỡng chế áp dụng các biện pháp cưỡng chế nói trên tùy thuộc vào đối tượng cưỡng chế.
Cưỡng chế thi hành án hình sự với pháp nhân thương mại
Theo quy định của Luật Thi hành án Hình sự 2019, Pháp nhân thương mại không chấp hành hoặc chấp hành không đầy đủ bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Việc quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế phải căn cứ vào hình phạt, biện pháp tư pháp áp dụng đối với pháp nhân thương mại, nội dung, tính chất, mức độ, điều kiện thi hành quyết định cưỡng chế và tình hình thực tế ở địa phương.
Các biện pháp cưỡng chế Thi hành án bao gồm:
- Phong tỏa tài khoản.
- Kê biên tài sản
- Tạm giữ tài liệu, chứng từ, thiết bị chứa dữ liệu điện tử; tạm giữ hoặc thu hồi con dấu của pháp nhân thương mại.
Tùy vào loại biện pháp cưỡng chế mà trình tự, thủ tục cưỡng chế Thi hành án được thực hiện khác nhau.
Nếu các bạn có bất kỳ vướng mắc hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác xin vui lòng liên hệ Hotline: 0824096999 để được giải đáp.
Trân trọng !