- Đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam
Căn cứ khoản 1 Điều 159 Luật Nhà ở năm 2014, đối tượng là tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam gồm:
– Tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam theo quy định Luật Nhà ở 2014 và pháp luật có liên quan.
– Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện doanh nghiệp nước ngoài, quỹ đầu tư nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam (gọi chung là tổ chức nước ngoài).
– Cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam.
- Điều kiện sở hữu nhà ở Việt Nam
Mặc dù thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định trên nhưng tổ chức, cá nhân nước ngoài không đương nhiên được sở hữu nhà ở tại Việt Nam mà phải đáp ứng những điều kiện theo quy định tại Điều 160 Luật Nhà ở 2014, cụ thể:
– Đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài phải có Giấy chứng nhận đầu tư và có nhà ở được xây dựng trong dự án theo quy định Luật Nhà ở 2014 và pháp luật có liên quan.
– Đối với tổ chức nước ngoài thì phải có Giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy tờ liên quan đến việc được phép hoạt động tại Việt Nam do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp.
– Đối với cá nhân nước ngoài thì phải được phép nhập cảnh vào Việt Nam và không thuộc diện được hưởng quyền miễn trừ, ưu đãi ngoại giao, lãnh sự theo quy định pháp luật.
Giấy tờ chứng minh thuộc đối tượng và điều kiện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam được quy định rõ tại Điều 77 Nghị định 99/2015/NĐ-CP như sau:
– Đối với cá nhân nước ngoài thì phải có hộ chiếu còn giá trị sử dụng và được cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh Việt Nam đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh, đồng thời không thuộc diện được quyền miễn trừ, ưu đãi ngoại giao theo quy định.
– Đối với tổ chức nước ngoài thì phải thuộc đối tượng theo quy định trên và có Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư còn hiệu lực tại thời điểm ký kết các giao dịch về nhà ở.
- Hình thức sở hữu nhà của người nước ngoài tại Việt Nam
Các đối tượng nêu trên được sở hữu nhà ở tại Viện Nam theo một trong các hình thức sau:
* Đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam theo quy định của Luật Nhà ở và pháp luật có liên quan;
* Mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Đối với các loại hình bất động sản khác như đất nền, nhà ở gắn liền với đất thuộc sở hữu tư nhân thì người nước ngoài không được phép mua và các giao dịch liên quan đến các đối tượng này sẽ không được các cơ quan có thẩm quyền công nhận và bảo vệ.
- Thời hạn sở hữu nhà ở tại Việt Nam
* Đối với tổ chức nước ngoài
Khoản 2 Điều 99 Nghị định 99/2015/NĐ-CP quy định tổ chức nước ngoài (doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện doanh nghiệp nước ngoài, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và quỹ đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam) thì được sở hữu nhà ở tối đa không vượt quá thời hạn ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã cấp cho tổ chức đó.
Khi hết hạn sở hữu ghi trong Giấy chứng nhận, nếu chủ sở hữu có nhu cầu gia hạn thời hạn sở hữu thì được Nhà nước xem xét, gia hạn thêm; trường hợp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã cấp không ghi thời hạn thì trong Giấy chứng nhận (Sổ hồng) cấp cho chủ sở hữu cũng được ghi không thời hạn.
Tổ chức nước ngoài bị giải thể, phá sản hoặc chấm dứt hoạt động trước thời hạn sở hữu nhà ở hoặc bị Nhà nước Việt Nam thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc giấy tờ cho phép hoạt động tại Việt Nam thì nhà ở này được xử lý theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định 99/2015/NĐ-CP; trường hợp trong thời hạn sở hữu mà tổ chức nước ngoài chuyển thành tổ chức trong nước thông qua việc sáp nhập hoặc chuyển vốn theo quy định thì tổ chức này được sở hữu nhà ở ổn định lâu dài.
* Đối với cá nhân nước ngoài
Căn cứ khoản 3 Điều 7 Nghị định 99/2015/NĐ-CP, cá nhân nước ngoài khi mua nhà ở tại Việt Nam được sở hữu tối đa không quá 50 năm, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận.
Khi hết thời hạn sở hữu ghi trong Giấy chứng nhận, nếu chủ sở hữu nhà ở đó có nhu cầu gia hạn thêm thì được Nhà nước xem xét, gia hạn.
- Thủ tục, hợp đồng người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam
Bạn cần chuẩn bị các giấy tờ chứng minh bản thân thuộc đối tượng người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam để phục vụ làm thủ tục mua nhà theo quy định tại Luật Nhà ở năm 2014 như sau:
Giấy tờ, thủ tục cần chuẩn bị
Tại khoản 1 Điều 74 Nghị định quy định về các giấy tờ chứng minh là đối tượng và điều kiện mua nhà, sở hữu nhà của người nước ngoài ở Việt Nam:
“Đối với cá nhân người nước ngoài phải có hộ chiếu còn giá trị, có đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh của cơ quan quả lý xuất nhập cảnh Việt Nam, và không thuộc diện được quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao theo quy định của Pháp lệnh về quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho cơ quan Đại diện ngoại giao, cơ quan Lãnh sự và cơ quan Đại diện của Tổ chức quốc tế tại Việt Nam”.
Ký hợp đồng mua bán nhà ở
Người nước ngoài mua bán nhà ở cần thực hiện ký kết hợp đồng mua bán, có nội dung và hình thức theo đúng quy định tại Điều 121, 122, 123 Luật Nhà ở và cần công chứng, chứng thực.
Thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở cho người nước ngoài
+ Làm đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, theo mẫu 04/ĐK (tại thông tư 23/2014/ TT- BTNMT).
+ Các giấy tờ chứng minh bản thân là đối tượng và điều kiện mua nhà, sở hữu nhà ở của người nước ngoài tại Việt Nam.
+ Một bản sao hợp đồng chuyển nhượng mua bán nhà ở có công chứng.
Người nước ngoài nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở.
Sau khi đã hoàn thành việc giao nhận và tất toán hợp đồng mua bán (thường là 30 ngày), phía chủ đầu tư sẽ thông báo tới khách hàng, yêu cầu khách hàng nộp hồ sơ để làm sổ sổ theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam. Trong đó có 2 trường hợp:
+ Nếu hồ sợ hợp lệ > Tiếp nhận và hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ tài chính cho khách hàng.
+ Nếu hồ sơ không hợp lệ > Sau 3 ngày nhận hồ sơ, phía cơ quan có thẩm quyền thông báo hoàn trả và hướng dẫn bổ sung hoàn thiện theo quy định.
Tiếp đến, khách hàng thực hiện nghĩa vụ tài chính. Cuối cùng, Cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở.
Lưu ý, thời gian chủ đầu tư thực hiện thủ tục và làm số đỏ cho khách hàng thường kéo dài 50 ngày kể từ ngày khách hàng nộp hồ sơ. Thời hạn cấp sổ đỏ sẽ tùy thuộc vào cơ quan Nhà nước, khoảng 3 – 6 tháng từ khi nộp hồ sơ.
Trên đây là một số nội dung cơ bản để làm rõ về việc người nước ngoài có thể mua nhà ở tại Việt Nam hay không. Tuy nhiên trên thực tế việc mua nhà của người nước ngoài gặp không ít những rắc rối về mặt thủ tục giấy tờ cũng như xảy ra các tranh chấp liên quan đến nội dung này khiến quyền và lợi ích hợp pháp của người nước ngoài chưa được bảo vệ một cách tốt nhất.
Do đó, để tiến hành việc mua bán an toàn và hiệu quả thì Khách hàng có thể liên hệ gặp Luật sư của Công ty Luật Ánh Trọng Tín để được tư vấn và hỗ trợ.