Nghĩa vụ nộp phí thi hành án dân sự

Căn cứ theo quy định tại Điều 60 Luật thi hành án dân sự 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) về Phí thi hành án dân sự thì: “Người được thi hành án phải nộp phí thi hành án dân sự”.

Như vậy, về nguyên tắc thì người được thi hành án khi nhận được tiền, tài sản theo bản án, quyết định thì phải nộp phí thi hành án dân sự. Mức thu phí thi hành án dân sự theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Thông tư 216/2016/TT-BTC:

“ Điều 4. Mức thu phí thi hành án dân sự

  1. Người được thi hành án phải nộp phí thi hành án dân sự như sau:
  2. a) Số tiền, giá trị tài sản thực nhận từ trên hai lần mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang do Nhà nước quy định đến 5.000.000.000 đồng thì mức phí thi hành án dân sự là 3% số tiền, giá trị tài sản thực nhận;
  3. b) Số tiền, giá trị tài sản thực nhận từ trên 5.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng thì mức phí thi hành án dân sự là 150.000.000 đồng cộng với 2% của số tiền, giá trị tài sản thực nhận vượt quá 5.000.000.000 đồng;
  4. c) Số tiền, giá trị tài sản thực nhận từ trên 7.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng thì mức phí thi hành án dân sự là 190.000.000 đồng cộng với 1% số tiền, giá trị tài sản thực nhận vượt quá 7.000.000.000 đồng;
  5. d) Số tiền, giá trị tài sản thực nhận từ trên 10.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng thì mức phí thi hành án dân sự là 220.000.000 đồng cộng 0,5% số tiền, giá trị tài sản thực nhận vượt quá 10.000.000.000 đồng;

đ) Số tiền, giá trị tài sản thực nhận trên 15.000.000.000 đồng thì mức phí thi hành án dân sự là 245.000.000 đồng cộng với 0,01% của số tiền, giá trị tài sản thực nhận vượt quá 15.000.000.000 đồng.

  1. Đối với vụ việc chia tải sản chung, chia thừa kế; chia tài sản trong ly hôn; vụ việc mà các bên vừa có quyền, vừa có nghĩa vụ đối với tài sản thi hành án (chỉ cần một trong các bên có yêu cầu thi hành án), thì người được cơ quan thi hành án dân sự giao tiền, tài sản thi hành án phải nộp phí thi hành án dân sự tương ứng với giá trị tiền, tài sản thực nhận.

Ví dụ: Tòa án xử ly hôn giữa ông A và bà B, trong phần chia tài sản ly hôn, bà B được nhận nhà trị giá là 500.000.000 đồng và phải thanh toán cho ông A 200.000.000 đồng. Trong trường hợp này, số phí thi hành án dân sự mà các bên phải nộp được tính trên giá trị tài sản thực nhận của từng người, cụ thể như sau:

Số phí thi hành án dân sự ông A phải nộp là: 3% x 200.000.000 đồng = 6.000.000 đồng;

Số phí thi hành án dân sự bà B phải nộp là: 3% x (500.000.000 đồng – 200.000.000 đồng) = 9.000.000 đồng.

  1. Đối với trường hợp nhiều người được nhận một tài sản cụ thể hoặc nhận chung một khoản tiền theo bản án, quyết định nhưng chỉ có một hoặc một số người có yêu cầu thi hành án mà Chấp hành viên đã tổ chức giao tài sản, khoản tiền đó cho người đã yêu cầu hoặc người đại diện của người đã có yêu cầu để quản lý thì người yêu cầu hoặc người đại diện đó phải nộp phí thi hành án dân sự tính trên toàn bộ giá trị tiền, tài sản thực nhận theo mức quy định tại khoản 1 Điều này.
  2. Đối với trường hợp cơ quan thi hành án dân sự đã ra quyết định thi hành án nhưng chưa ra quyết định cưỡng chế thi hành án hoặc đã ra quyết định cưỡng chế thi hành án nhưng chưa thực hiện việc cưỡng chế thi hành án mà đương sự tự giao, nhận tiền, tài sản cho nhau thì người được thi hành án phải nộp 1/3 mức phí thi hành án dân sự quy định tại khoản 1 Điều này tính trên số tiền, tài sản thực nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 8 Điều 6 Thông tư này.
  3. Trường hợp cơ quan thi hành án dân sự đã thu được tiền hoặc đã thực hiện việc cưỡng chế thi hành án thì người được thi hành án phải nộp 100% mức phí thi hành án dân sự theo quy định tại khoản 1 điều này tính trên số tiền, tài sản thực nhận.”

Về phía người phải thi hành án sẽ phải chịu chi phí cưỡng chế thi hành án để tổ chức cưỡng chế thi hành án. Các chi phí cưỡng chế thi hành án do người phải thi hành án chịu theo Điều 4 Thông tư 200/2016/TT-BTC bao gồm:

– Chi phí thông báo về cưỡng chế;

– Chi phí mua nguyên liệu, nhiên liệu; thuê phương tiện, thiết bị bảo vệ, y tế, phòng, chống cháy, nổ, các thiết bị, phương tiện cận thiết khác cho việc cưỡng chế thi hành án;

– Chi phí cho việc định giá, định giá lại tài sản, giám định tài sản, bán đấu giá tài sản;

– Chi phí cho việc thuê, trông coi, bảo quản tài sản; chi phí bốc dỡ, vận chuyển tài sản; chi phí thuê nhân công và khoản chi phục vụ cho việc xây ngăn, phá dỡ; chi thuê đo đạc, xác định mốc giới để thực hiện việc cưỡng chế thi hành án;

– Chi phí cho việc tạm giữ, thu giữ tài sản, giấy tờ, tài liệu;

– Chi tiền bồi dưỡng cho những người trực tiếp tham gia cưỡng chế và bảo vệ cưỡng chế thi hành án;

– Chi phí kê biên, xử lý tài sản tương ứng với tỷ lệ số tiền, tài sản mà họ thực nhận;

– Các khoản chi phí khác do pháp luật quy định phục vụ cho cưỡng chế.

Nếu các bạn có bất kỳ vướng mắc hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác xin vui lòng liên hệ Hotline: 0824096999 để được giải đáp.

 

Trân trọng !