LƯU Ý KHI CHO NGƯỜI NƯỚC NGOÀI THUÊ NHÀ Ở

1.Điều kiện cho người nước ngoài thuê nhà ở tại Việt Nam

Người nước ngoài khi thuê nhà tại Việt Nam cần đảm bảo các điều kiện theo quy định pháp luật. Cụ thể:

1.1 Điều kiện cho người nước ngoài thuê nhà

Căn cứ theo Điều 119 Luật Nhà ở 2014, điều kiện cho người nước ngoài thuê nhà như sau:

– Đối với bên cho thuê:

+ Là chủ sở hữu nhà ở hoặc người được chủ sở hữu cho phép, ủy quyền để thực hiện giao dịch về nhà ở;

+ Nếu là cá nhân thì phải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự để thực hiện giao dịch về nhà ở theo quy định của pháp luật dân sự; nếu là tổ chức thì phải có tư cách pháp nhân.

– Đối với bên thuê:

+ Phải có đủ năng lực hành vi dân sự để thực hiện giao dịch về nhà ở;

+ Phải thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam và không bắt buộc phải có đăng ký tạm trú hoặc đăng ký thường trú tại nơi có nhà ở thuê.

+ Căn cứ theo Điều 131, Luật Nhà ở quy định về “Đối tượng và điều kiện được thuê nhà ở” thì: “Tổ chức, cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam có thời hạn từ 03 tháng liên tục trở lên và người Việt Nam định cư ở nước ngoài được thuê nhà ở tại Việt Nam“. Như vậy, điều kiện để người nước ngoài thuê nhà tại Việt Nam là phải được phép nhập cảnh vào Việt Nam với thời hạn từ 03 tháng liên tục trở lên.

1.2 Điều kiện đối với nhà cho thuê

Điều kiện nhà ở cho cá nhân nước ngoài thuê tại Việt Nam được quy định tại các Điều 131, 132, 133 Luật Nhà ở 2014 như sau:

– Đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở;

– Phải là nhà ở riêng lẻ hoặc căn hộ khép kín;

– Bảo đảm chất lượng, an toàn cho người thuê;

– Bảo đảm cung cấp điện, nước, vệ sinh môi trường và các điều kiện thiết yếu khác;

– Không có tranh chấp về quyền sở hữu, quyền sử dụng.

Như vậy, trước khi cho người nước ngoài thuê nhà ở, chủ nhà cần đảm bảo đáp ứng đủ các điều kiện nêu trên để tránh vi phạm pháp luật.

2.Thủ tục cho người nước ngoài thuê nhà

Bước 1: Chủ nhà làm thủ tục đăng ký kinh doanh

Do hoạt động cho thuê nhà ở không thuộc lĩnh vực không phải đăng ký kinh doanh, do đó chủ nhà cần thực hiện đăng ký kinh doanh trước khi cho thuê.

Thủ tục đăng ký kinh doanh được thực hiện tại Ủy ban nhân dân nơi có nhà cho thuê. Khi thực hiện thủ tục cần mang theo các giấy tờ sau:

– Giấy tờ chứng minh nhân dân/Thẻ căn cước công dân;

– Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu nhà cho thuê (Sổ hồng/Hợp đồng mua bán nhà đất…)

Bước 2: Kê khai mã số thuế và nộp thuế môn bài

Khi tiến hành kê khai mã số thuế và nộp thuế môn bài cần chuẩn bị trước một số giấy tờ như:

  • Chứng minh nhân dân/Thẻ căn cước công dân.
  • Giấy đăng ký kinh doanh cho thuê nhà.
  • Tờ khai thuế môn bài và tờ khai mã số thuế căn hộ cho thuê.

Bước 3: Đăng ký tại trụ sở Công an quận/huyện

Một số loại giấy tờ cần chuẩn bị gồm:

  • Giấy đăng ký kinh doanh hoạt động cho thuê.
  • Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT để làm ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
  • Tờ khai lý lịch của chủ hộ kinh doanh.
  • Chứng minh nhân dân/Thẻ Căn cước công dân.
  • Giấy đăng ký đảm bảo đủ điều kiện phòng cháy, chữa cháy (tùy theo từng dự án sẽ có yêu cầu khác nhau).

Bước 4: Tiến hành đăng ký tạm trú cho người nước ngoài thuê nhà

Hiện nay, thủ tục đăng ký tạm trú cho người nước ngoài có thể thực hiện dễ dàng qua mạng. Căn cứ quy định tại Điều 4, 5, 6 Thông tư 53/2016/TT-BCA, khi đăng ký tạm trú cho người nước ngoài qua mạng cần chuẩn bị các thông tin sau:

– Thông tin về cơ sở lưu trú:

  • Tên, loại hình, địa chỉ, số điện thoại, email của cơ sở lưu trú;
  • Họ tên, ngày tháng năm sinh, số điện thoại, số Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân hoặc hộ chiếu của người đăng ký.

– Thông tin của người nước ngoài:

  • Họ tên, giới tính, ngày tháng năm sinh, quốc tịch, số hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu;
  • Thời gian dự kiến tạm trú.

3.Hợp đồng cho người nước ngoài thuê nhà có cần công chứng không?

  • Căn cứ khoản 2 Điều 122 Luật Nhà ở 2014, trường hợp cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở thì không bắt buộc phải công chứng, chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp các bên có nhu cầu.
  • Do đó, hợp đồng cho thuê nhà ở phải được lập thành văn bản nhưng không bắt buộc phải công chứng, chứng thực, trừ trường hợp có yêu cầu từ các bên của hợp đồng.
  • Tuy nhiên khuyến khích cá nhân, tổ chức khi thuê nhà chứng thực, công chứng hợp đồng thuê nhà để có thể đảm bảo quyền lợi của các bên trong quá trình thuê nhà.