Đất đai là một loại tài nguyên vô cùng giá trị, vì thế hiện nay xảy ra rất nhiều vụ việc tranh chấp đất đai có tính chất khá phức tạp. Khi tranh chấp xảy ra và không thể tự thương lượng hòa giải được thì thông thường người dân sẽ kiện nhau ra tòa vì tranh chấp về đất đai, tùy từng trường hợp mà Thẩm phán sẽ yêu cầu người dân quay trở về hòa giải ở cấp cơ sở. Sau đây Công ty Luật TNHH Ánh Trọng Tín sẽ nêu một số nội dung cơ bản về hòa giải cơ sở trong giải quyết tranh chấp đất đai.
1.Quy định của pháp luật hiện hành về hòa giải cơ sở trong giải quyết tranh chấp đất đai
Trong trường hợp xảy ra tranh chấp đất đai mà các bên đương sự không thể áp dụng phương pháp tự thỏa thuận, thương lượng thì các bên đương sự có thể áp dụng việc hòa giải cơ sở, mà trong một số trường hợp có sự xuất hiện của UBND địa phương trước khi khởi kiện tại Tòa án.
Theo Điều 202 Luật đất đai năm 2013: “Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở.” và khoản 2 của điều luật này: “Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.” Các bên đương sự phải trực tiếp gặp gỡ nhau để tự hòa giải trước khi tiến hành hòa giải cơ sở, nếu tự hòa giải không có kết quả, khi đó các bên sẽ làm đơn gửi UBND xã, phường, thị trấn nơi có vị trí tranh chấp, để yêu cầu tiến hành hòa giải cơ sở.
Theo Điều 2 Luật hòa giải ở cơ sở 2013:
1) Hòa giải ở cơ sở là việc hòa giải viên hướng dẫn, giúp đỡ các bên đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật theo quy định của Luật này.
2) Cơ sở là thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố và cộng đồng dân cư khác (sau đây gọi chung là thôn, tổ dân phố).
2.Trong quá trình giải quyết tranh chấp đất đai thì không phải mọi tranh chấp đều bắt buộc phải thực hiện hòa giải cơ sở mà chỉ có các trường hợp sau đây bắt buộc phải tiến hành thực hiện hòa giải cơ sở:
Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về các trường hợp chưa có đủ điều kiện khởi kiện theo quy định của pháp luật, được hướng dẫn chi tiết tại khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP như sau:
Đối với tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất mà chưa được hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp theo quy định tại Điều 202 Luật đất đai năm 2013 thì được xác định là chưa có đủ điều kiện khởi kiện quy định tại điểm b khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
Như vậy, theo tinh thần của Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP, chỉ những tranh chấp đất đai về ai là người có quyền sử dụng đất mà chưa được hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp theo quy định tại Điều 202 Luật đất đai năm 2013 thì mới bắt buộc thông qua thủ tục hòa giải.
Như đã nêu trên thì các trường hợp sau đây khi tranh chấp đất đai xảy ra sẽ không cần thiết phải thực hiện tiến hành hòa giải ở cơ sở, cụ thể:
Theo khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP thì đối với tranh chấp khác liên quan đến quyền sử dụng đất sau thì thủ tục hòa giải tại UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp không phải là điều kiện khởi kiện vụ án (không cần hòa giải tại UBND cấp xã). Như là: tranh chấp về giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất, chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất,…
Vậy khi xảy ra tranh chấp đất liên quan đến đất đai như trên thì sẽ không giải quyết theo quy định pháp luật thì không cần hòa giải ở cơ sở mà các bên sẽ tự hòa giải, thương lượng hoặc khởi kiện tại Toà án.
Việc tiến hành hòa giải cơ sở hay không lựa chọn hòa giải cơ sở trong giải quyết tranh chấp đất đai đã được quy định trong Luật và các văn bản hướng dẫn nhưng cũng chưa thực sự đồng nhất và Thực tế hiện nay đối với việc hòa giải ở cơ sở còn gặp rất nhiều khó khăn, bất cập.
Theo tìm hiểu thì về cơ bản các địa phương trên toàn quốc đã áp dụng khá tốt việc hòa giải ở cấp cơ sở với phương châm “giải quyết dứt điểm từ cấp cơ sở”, các thành viên tổ hòa giải, các hòa giải viên đã phân tích, giải thích, vận động Nhân dân để giải quyết dứt điểm ngay từ khi mới phát sinh.
Hòa giải thành (là trường hợp các bên đạt được thỏa thuận) mang lại nhiều ý nghĩa sâu sắc, không chỉ hàn gắn những xích mích, mâu thuẫn phát sinh, mà còn tăng cường sự hiểu biết, tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết, thắt chặt tình cảm, góp phần vào sự bình yên, ổn định, giảm bớt gánh nặng cho chính quyền cơ sở, góp phần cho phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội các địa bàn dân cư.
Tuy nhiên bên cạnh đó, hòa giải ở cơ sở trong tranh chấp đất đai vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế như: Chưa có sự thống nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật về phạm vi bắt buộc áp dụng thủ tục hòa giải tại cơ sở; thời hạn thực hiện hòa giải; chưa dự kiến hết các tình huống phát sinh trong quá trình hòa giải. Một ví dụ cụ thể là: Quy định về việc bắt buộc phải hòa giải tại UBND xã mới được khởi kiện đã không có hiệu quả và trở thành thủ tục khiến người dân bức xúc đối với hầu hết các vụ tranh chấp đất đai khi mà đa số cho rằng quy định này quá rập khuôn, cứng nhắc.
Như vậy để có những lựa chọn đúng, phù hơp với thực tế của từng cá nhân/ cơ quan tổ chức khi có tranh chấp đất đai xảy ra thì ngoài những nội dung quy định pháp luật tổng quát trên mọi người có thể liên hệ qua Hotline: 0824096999 hoặc gửi vào Email: vplsanhtrongtin@gmail.com để gặp luật sư chuyên về lĩnh vực đất đai để được tư vấn, giải đáp. Chúng tôi rất mong nhận được các câu hỏi tư vấn và ý kiến đóng góp của các bạn.
Xin chân thành cảm ơn!