Đấu thầu là gì? Đặc điểm và các nguyên tắc trong hoạt động đấu thầu?

Đấu thầu là gì? Các đặc điểm của đấu thầu? Các nguyên tắc trong hoạt động đấu thầu? Các phương thức đấu thầu và quy định của pháp luật về đấu thầu.

Pháp lý

– Luật đấu thầu 2013

– Luật thương mại 2005

1. Đấu thầu là gì?

Theo quy định tại khoản 12 Điều 4 Luật đấu thầu 2013

“Đấu thầu là quá trình lựa chọn nhà thầu để kí kết và thực hiện hợp đồng cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp; lựa chọn nhà đầu tư để kí kết và thực hiện hợp đồng dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, dự án đầu tư có sử dụng đất; trên cơ sở bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.”

Đấu thầu là gì?

Như vậy, bản chất của đấu thầu là sự cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà thầu; để được thực hiện một việc nào đó, một yêu cầu nào đó. Mục đích của nhà thầu là giành được quyền cung cấp mua hàng hóa, dịch vụ đó với giá đủ bù đắp các chi phí đầu vào và đảm bảo mức lợi nhuận cao nhất có thể.

2. Đặc điểm của đấu thầu

Các đặc điểm của đấu thầu bao gồm:

Thứ nhất, Đấu thầu là một hoạt động thương mại.

Trong đó bên dự thầu là các thương nhân có đủ điều kiện và mục tiêu mà bên dự thầu hướng tới là lợi nhuận, còn bên mời thầu là xác lập được hợp đồng mua bán hàng hóa, sử dụng dịch vụ với các điều kiện tốt nhất cho họ.

Thứ hai, Đấu thầu là một giai đoạn tiền hợp đồng.

Hoạt động đấu thầu luôn gắn với quan hệ mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ. Trong nền kinh tế đấu thầu không diễn ra như một hoạt động độc lập; nó chỉ xuất hiện khi con người có nhu cầu mua sắm hàng hóa và sử dụng dịch vụ. Mục đích cuối cùng của đấu thầu là là giúp bên mời thầu tìm ra chủ thể có khả năng cung cấp hàng hóa, dịch vụ với chất lượng và giá cả tốt nhất. Sau khi quá trình đấu thầu hoàn tất, người trúng thầu sẽ cùng với người tổ chức đấu thầu đàm phán, để kí hợp đồng mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ hay xây lắp công trình.

Thứ ba, đối tượng trong quan hệ đấu thầu hàng hóa, dịch vụ.

Theo Luật thương mại 2005, trong hoạt động đấu thầu có thể xuất hiện bên thứ ba như các công ty tư vấn giúp lập hồ sơ mời thầu, chuyên gia giúp đỡ, đánh giá hồ sơ dự thầu. Tuy nhiên đây là hoạt động không qua trung gian, không có thương nhân làm dịch vụ đấu thầu hàng hóa, dịch vụ cho thương nhân khác nhận thù lao.

Trong khi đó, Luật đấu thầu 2013 đã quy định thêm về tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp bao gồm đại lí đấu thầu, đơn vị sự nghiệp được thành lập và chức năng thực hiện đấu thầu chuyên nghiệp. Việc thành lập và hoạt động của đại lí đấu thầu thực hiện theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp. Quan hệ đấu thầu luôn được xác lập giữa một bên mời thầu và nhiều bên dự thầu. Nhưng vẫn có trường hợp ngoại lệ như trong trường hợp chỉ định đầu tư.

Thứ tư, hình thức pháp lí của quan hệ đấu thầu là hồ sơ mời thầu và hồ sơ dự thầu.

Hồ sơ mời thầu là văn bản pháp lí do bên mời thầu lập; trong đó có đầy đủ những yêu cầu về kĩ thuật, tài chính và thương mại của hàng hóa cần mua sắm, dịch vụ cần sử dụng. Còn hồ sơ dự thầu thể hiện năng lực, mức độ đáp ứng của bên dự thầu; trước các yêu cầu trong hồ sơ mời thầu.

Thứ năm, Giá của gói thầu

Xét trên góc độ giá cả thì đấu thầu cần thiết phải có sự khống chế về giá, gọi là giá gói thầu hoặc dự toán được đưa ra bởi bên mời thầu theo khả năng tài chính của bên mời thầu. Bên dự thầu đưa ra giá cao hơn khả năng tài chính của bên mời thầu; thì dù có tốt đến mấy cũng khó có thể thắng thầu. Bên dự thầu nào đáp ứng được các yêu cầu của bên mời thầu mà có giá càng thấp thì sẽ càng có cơ hội chiến thắng.

3. Hình thức đấu thầu

Theo quy định tại Điều 215 Luật thương mại 2005; Việc đấu thầu hàng hóa, dịch vụ được thực hiện theo một trong hai hình thức sau đây:

– Đấu thầu rộng rãi là hình thức đấu thầu mà bên mời thầu không hạn chế số lượng các bên dự thầu;

– Đấu thầu hạn chế là hình thức đấu thầu mà bên mời thầu chỉ mời một số nhà thầu nhất định dự thầu.

Việc chọn hình thức đấu thầu rộng rãi hoặc đấu thầu hạn chế do bên mời thầu quyết định.

4. Phương thức đấu thầu

Phương thức đấu thầu được quy định tại Điều 216 Luật Thương mại 2005; bao gồm 2 phương thức:

– Đấu thầu một túi hồ sơ: Bên dự thầu nộp hồ sơ dự thầu gồm đề xuất về kỹ thuật, đề xuất về tài chính trong một túi hồ sơ theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu; và việc mở thầu được tiến hành một lần.

– Đấu thầu hai túi hồ sơ: Bên dự thầu nộp hồ sơ dự thầu gồm đề xuất về kỹ thuật, đề xuất về tài chính trong từng túi hồ sơ riêng biệt được nộp trong cùng một thời điểm; và việc mở thầu được tiến hành hai lần. Hồ sơ đề xuất về kỹ thuật sẽ được mở trước.

Lưu ý:

Bên mời thầu có quyền lựa chọn phương thức đấu thầu và phải thông báo trước cho các bên dự thầu.

Công ty Luật TNHH Ánh Trọng Tín

Trên đây là ý kiến tư vấn pháp luật của chúng tôi. Hotline: 0824096999 hoặc gửi vào Email: vplsanhtrongtin@gmail.com để gặp Luật sư tư vấn trực tiếp và yêu cầu cung cấp các dịch vụ khác. Chúng tôi rất mong được các câu hỏi tư vấn và ý kiến đóng góp của các bạn.

Xin chân thành cảm ơn!