1.Thời hạn phải sang tên sổ đỏ sau khi tặng cho đất
Sang tên được thực hiện đối với trường hợp đất đai đã được cấp Giấy chứng nhận hoặc đã đăng ký mà có thay đổi về tặng cho quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.
Sau khi sang tên, người nhận tặng cho được cấp Giấy chứng nhận quyền mới hoặc tiếp tục sử dụng Giấy chứng nhận của người tặng cho và bổ sung thông tin tặng cho nhà đất trong Giấy chứng nhận đó. Người được tặng cho đều có đầy đủ quyền và nghĩa vụ với nhà đất được tặng.
Khi tặng cho nhà đất phải công chứng, chứng thực hợp đồng tặng cho và sang tên là thủ tục bắt buộc. Kể từ ngày có biến động, người sử dụng đất phải thực hiện thủ tục sang tên trong thời hạn không quá 30 ngày.
Ngày biến động trong trường hợp tặng cho được xác định như sau:
+ Trường hợp không có thoả thuận về ngày tặng cho thì ngày biến động là ngày công chứng hoặc chứng thực hợp đồng tặng cho;
+ Trường hợp các bên có thoả thuận về ngày tặng cho, ngày biến động là ngày do các bên thỏa thuận.
Như vậy, khi thực hiện tặng cho nhà đất, người sử dụng đất phải đăng ký biến động trong vòng 30 ngày kể từ ngày công chứng, chứng thực hợp đồng tặng cho hoặc ngày do các bên đã thoả thuận như trong hợp đồng.
2.Tặng cho nhà đất nhưng không sang tên có bị phạt không?
Không sang tên sổ đỏ sẽ bị phạt hành chính. Người bị xử phạt là bên nhận quyền tặng cho. Mức phạt cụ thể với cá nhân như sau:
* Tại khu vực nông thôn:
+ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng nếu trong thời gian 24 tháng kể từ ngày quá thời hạn mà không đăng ký biến động;
+ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu quá thời gian 24 tháng kể từ ngày quá thời hạn mà không đăng ký biến động.
*Tại khu vực đô thị:
+ Mức phạt bằng 2 lần mức xử phạt với trường hợp tương tự tại nông thôn;
+ Mức phạt với bên nhận quyền là tổ chức gấp 2 lần mức phạt với cá nhân.
Thêm vào đó, áp dụng biện pháp khắc phục như buộc người đang sử dụng đất phải làm thủ tục sang tên theo quy định.
Xử phạt chỉ có hiệu lực khi có hợp đồng tặng cho được công chứng, chứng thực. Việc tặng cho bằng lời nói không có hiệu lực pháp luật nên không được coi là căn cứ xử phạt.
3.Tặng cho đất nhưng không sang tên có bị huỷ không?
Trường hợp tặng cho đất theo đúng trình tự, thủ tục pháp luật (có hợp đồng công chứng, chứng thực theo quy định pháp luật), việc không sang tên không khiến việc tặng cho đất này bị huỷ mà sẽ bị xử lý hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục như đã trình bày ở trên.
Trường hợp tặng cho đất có thể bị hủy khi xác định được hành vi tặng cho quyền sử dụng đất là vô hiệu, không kể đã sang tên hay chưa. Các trường hợp vô hiệu này được xác định như sau:
+ Tặng cho đất nhưng không được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc không đăng ký nếu bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định pháp luật;
+ Bên được tặng cho không thực hiện nghĩa vụ nếu hợp đồng tặng cho là hợp đồng có điều kiện;
+ Hợp đồng tặng cho vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội; giả tạo; do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện; bị nhầm lẫn, lừa dối, đe dọa; người xác lập không nhận thức, không làm chủ được hành vi của mình.
Căn cứ vào những trường hợp vô hiệu trên, bên tặng cho có thể yêu cầu Tòa án buộc bên được tặng phải hoàn trả lại quyền sử dụng đất đã tặng.