Công ty Hợp danh là gì và các đặc trưng của công ty Hợp danh

  1. Khái niệm về công ty hợp danh

Công ty hợp danh là loại hình công ty, trong đó các thành viên cùng nhau tiến hành hoạt động thương mại dưới một hãng chung và cùng liên đới chịu trách nhiệm vô hạn về mọi khoản nợ của công ty. Công ty hợp danh hay còn gọi là công ty góp danh là loại hình đặc trưng của công ty đối nhân. Xét về mặt lịch sử thì công ty hợp danh ra đời sớm nhất, bởi lẽ khi con người biết hành nghề thương mại thì có lẽ lúc ban đầu họ kinh doanh đơn lẻ (từng cá nhân). Sau này do nhu cầu kinh doanh cần phải liên kết thì họ phải lựa chọn những người thân, quen và phải thật tin tưởng để cùng nhau kinh doanh.

Tại Việt Nam, quy định về công ty hợp danh theo Luật Doanh nghiệp năm 2020 có những điểm đặc thù không hoàn toàn giống với luật các nước. Cụ thể, công ty hợp danh được định nghĩa là doanh nghiệp, trong đó:

+ Phải có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung (gọi là thành viên hợp danh); Ngoài các thành viên hợp danh, công ty có thể có thêm thành viên góp vốn; Thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty; Thành viên góp vốn chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty;

+ Công ty hợp danh có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;

+ Công ty hợp danh không được phát hành bất kì loại chứng khoán nào (Điều 172).

  1. Các đặc trưng cơ bản của công ty hợp danh

Công ty hợp danh có một số đặc trưng sau:

Thứ nhất, cũng như đặc tính chung của các công ty đối nhân, mỗi thành viên trong công ty hợp danh đều có phần của mình trong công ty gọi là phần lợi. Phần của mỗi người tương ứng với phần vốn góp của họ vào công ty. Phần vốn góp của các thành viên có thể bằng nhau hoặc không bằng nhau và có đặc tính là không được tự do chuyển nhượng.

Thứ hai, Công ty hợp danh phải hoạt động dưới một hãng chung, mặc dù vậy các thành viên đều có tư cách thương nhân. Các thành viên kết hợp cái “danh tính” của mình thành ra hội danh tức là cái danh tính của công ty. Vì vậy, các thành viên phải có năng lực cần thiết, các thành viên phải ghi tên vào danh bạ thương mại. Khi công ty bị phá sản thì các thành viên cũng bị phá sản thương nhân.

Thứ ba, trong công ty hợp danh, các thành viên chịu trách nhiệm bản thân, liên đới vô hạn về mọi khoản nợ của công ty. Điều đó được thể hiện như sau:

– Các thành viên chịu trách nhiệm một cách trực tiếp, cơ bản, vì chủ nợ có quyền đòi bất kì ai với toàn bộ số tiền nợ.

– Trách nhiệm này không thể bị giới hạn đối với bất kì thành viên nào. Nêu họ có thoả thuận khác, lập tức công ty sẽ chuyên sang loại hình công ty hợp vốn đơn giản.

– Trong công ty hợp danh không có sự phân biệt rõ ràng giữa tài sản công ty và tài sản cá nhân. Sự chuyển dịch quyền sở hữu đối với khối tài sản chung sang tài sản riêng rất đơn giản và nói chung khó kiểm soát, về nguyên tắc, ngay khi một thành viên chưa được hưởng chút lợi nhuận nào thì vẫn phải chịu trách nhiệm. Vì vậy, khả năng rủi ro và nguy hiểm đối với từng thành viên là rất lớn.

Tuy nhiên, lợi thế của công ty này là khả năng dễ dàng được ngân hàng cho vay vốn hoặc hoãn nợ, bởi tính chịu trách nhiệm vô hạn đã là sự bảo đảm. Do tính an toàn pháp lý đối với công chúng cao nên công ty hợp danh chịu ít quy định pháp lý ràng buộc, pháp luật dành quyền rộng rãi cho các thành viên thoả thuận, quy định ràng buộc duy nhất là tính chịu trách nhiệm vô hạn. về tổ chức, công ty hợp danh rất đơn giản. Các thành viên có quyền thoả thuận trong hợp đồng về việc tổ chức, điều hành, đại diện của công ty.

Công ty hợp danh được tổ chức dưới hình thức một hãng chung. Hãng này thường mang tên một thành viên hoặc tất cả thành viên. Hầu hết pháp luật các nước đều quy định công ty hợp danh không có tư cách pháp nhân (Luật Doanh nghiệp năm 2020 của Việt Nam quy định công ty hợp danh có tư cách pháp nhân). Dưới hình thức một hãng, công ty hợp danh có tư cách thương gia độc lập, mỗi thành viên họp danh vẫn có tư cách thương gia riêng, các thành viên kết hợp danh tính của mình mà thành ra “hội danh” tức là cái danh tính của công ty. Các thành viên có thể cùng nhau điều hành và đại diện cho công ty hoặc thoả thuận phân công trách nhiệm về quyền đại diện cho từng người, vấn đề góp vốn, luật không quy định vốn tối thiểu các bên có quyền thoả thuận các hình thức góp vốn (bằng tiền, hiện vật, các bản quyền…) thậm chí “vốn góp” chỉ là uy tín kinh doanh của cá nhân. Trong công ty hợp danh, việc thay đổi thành viên là rất khó khăn, chỉ cần một thành viên chết, xin ra khỏi công ty là lý do quan trọng để công ty giải thể, điều đó được lý giải bởi bản chất đối nhân của loại công ty này.

Trên đây là ý kiến tư vấn pháp luật của chúng tôi. Mọi thắc mắc xin liên hệ tới Hotline: 0824096999 hoặc gửi vào Email: vplsanhtrongtin@gmail.com để gặp Luật sư tư vấn trực tiếp và yêu cầu cung cấp các dịch vụ khác. Chúng tôi rất mong được các câu hỏi tư vấn và ý kiến đóng góp của các bạn.

Xin chân thành cảm ơn!