1. Cho vay nặng lãi là gì?
Cho vay nặng lãi hay cho vay lãi nặng là việc bên cho vay ấn định lãi suất cao trong hợp đồng vay tài sản.
Thứ nhất: Với hợp đồng vay tài sản thông thường
Đây là loại hợp đồng vay tài sản giữa cá nhân với cá nhân, cá nhân với tổ chức, tổ chức với tổ chức, tuy nhiên, tổ chức cho vay trong hợp đồng không phải là tổ chức tín dụng (ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô và quỹ tín dụng nhân dân). Mức lãi suất đối với hợp đồng này chịu sự điều chỉnh của pháp luật dân sự. Cụ thể, khoản 1 Điều 468 Bộ luật dân sự quy định: “Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.”
Thứ hai: Với hợp đồng tín dụng
Đây là loại hợp đồng thường thấy khi ngân hàng, công ty tài chính cho khách hàng vay. Theo Điều 13 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ngân hàng Nhà nước Quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng thì:
” 1. Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng, trừ trường hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có quy định về lãi suất cho vay tối đa tại khoản 2 Điều này.
2. Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam nhưng không vượt quá mức lãi suất cho vay tối đa do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định trong từng thời kỳ nhằm đáp ứng một số nhu cầu vốn:
a) Phục vụ lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn;
b) Thực hiện phương án kinh doanh hàng xuất khẩu theo quy định tại Luật thương mại và các văn bản hướng dẫn Luật thương mại;
c) Phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa;
d) Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ theo quy định của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ;
đ) Phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định tại Luật công nghệ cao và các văn bản hướng dẫn Luật công nghệ cao.”
2. Cho vay nặng lãi có khởi kiện được không?
Tổ chức tín dụng chịu sự kiểm soát chặt chẽ khi cấp tín dụng cho khách hàng. Với đội ngũ pháp chế chuyên nghiệp thì hợp đồng tín dụng cho khách hàng vay có quy định mức lãi suất phù hợp. Do đó, trường hợp cho vay nặng lãi thường xảy ra trong hợp đồng vay tài sản thuộc sự điều chỉnh của pháp luật dân sự, đặc biệt là giữa cá nhân với nhau.
Theo khoản 1 Điều 468 Bộ luật dân sự thì Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực. Nói cách khác, thỏa thuận về lãi suất vượt quá mức lãi suất giới hạn trong hợp đồng bị vô hiệu. Khi đó, áp dụng Điều 131 Bộ luật dân sự về hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu thì bên cho vay có trách nhiệm hoàn trả cho bên vay số tiền đã nhận trái quy định về mức lãi suất giới hạn. Ngoài ra, trường hợp có thiệt hại xảy ra, bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường. Dường như những quy định này đang hướng tới có lợi cho bên vay. Vậy một câu hỏi được đặt ra là Cho vay nặng lãi có kiện được không? Luật Ánh Trọng Tín xin giải đáp: Khi bên cho vay cho rằng quyền, lợi ích chính đáng của mình bị xâm phạm, bên cho vay có thể khởi kiện ra Tòa bình thường. Tuy nhiên, Tòa sẽ căn cứ vào quy định pháp luật để giải quyết vụ việc nên tùy vào nội dung yêu cầu giải quyết và quy định pháp luật tương ứng, yêu cầu của bên cho vay có thể được chấp nhận hoặc không chấp nhận.
Ví dụ: Bên cho vay yêu cầu bên vay thanh toán lãi theo đúng thỏa thuận về lãi suất trong hợp đồng khi mức lãi suất vượt quá mức giới hạn theo Bộ luật dân sự không được Tòa án chấp nhận.
Bên cho vay yêu cầu bên vay thực hiện nghĩa vụ thanh toán phần nợ gốc theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng. Nội dung này phù hợp với quy định pháp luật nên vẫn sẽ được Tòa án chấp nhận giải quyết.
3. Tố cáo cho vay nặng lãi ở đâu?
Dựa vào quy định về giới hạn lãi suất, Quý vị cần làm rõ trường hợp lãi suất theo hợp đồng của mình có cao hơn không và cao hơn như thế nào.
“Điều 201 Bộ luật hình sự quy định về Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự như sau:
- Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
- Phạm tội mà thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
Do đó, nếu mức lãi suất trong hợp đồng vay tài sản với cá nhân, tổ chức (không phải là tổ chức tín dụng) đáng ở mức gấp 5 lần trở lên mức lãi suất cao nhất (100%/ năm trở lên), đồng thời thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, người cho vay đang có dấu hiệu của Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Người vay có thể tố cáo hành vi này tại cơ quan công an có thẩm quyền để tiến hành điều tra, xử lý theo quy định.
Một số trường hợp khác, hành vi cho vay nặng lãi không thỏa mãn tội phạm trên nhưng có thể bị xử lý hành chính, Quý vị vẫn có thể báo với cơ quan công an có thẩm quyền để xem xét xử lý. Trường hợp hành vi cho vay nặng lãi chưa đến mức bị xử lý hành chính, Quý vị và bên cho vay cần làm rõ về mức lãi suất để phù hợp với quy định pháp luật, trường hợp xảy ra tranh chấp có thể khởi kiện ra Tòa để tuyên bố vô hiệu với nội dung về lãi suất quá mức giới hạn theo pháp luật.
Trên đây là ý kiến tư vấn pháp luật của chúng tôi. Mọi thắc mắc xin liên hệ tới Hotline: 0824096999 hoặc gửi vào Email: vplsanhtrongtin@gmail.com để gặp Luật sư tư vấn trực tiếp và yêu cầu cung cấp các dịch vụ khác. Chúng tôi rất mong nhận được các câu hỏi tư vấn và ý kiến đóng góp của các bạn.
Xin chân thành cảm ơn!