Biện pháp phong toả tài khoản, tài sản đảm bảo thi hành án

Phong toả tài khoản là gì?

Biện pháp phong tỏa tài khoản áp dụng trong trường hợp người phải thi hành án phải thi hành khoản nghĩa vụ trả tiền và các thông tin về điều kiện thi hành án cho thấy người đó đang có tiền trong tài khoản tại ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng, tài chính khác. Việc áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản nhằm ngăn chặn người phải thi hành án thực hiện việc rút toàn bộ tiền hay một khoản tiền trong tài khoản làm cho số tiền của họ còn lại trong tài khoản nhỏ hơn nghĩa vụ mà họ phải thi hành án. Theo đó, mọi giao dịch đầu ra tài khoản của chủ tài khoản sẽ không thực hiện được hoặc bị hạn chế thực hiện.

Biện pháp phong tỏa tài khoản tài sản đảm bảo thi hành án

Điều 67 Luật thi hành án dân sự 2008, được sửa đổi bổ sung năm 2014, quy định về biện pháp bảo đảm thi hành án Phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ:

  1. Việc phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ được thực hiện trong trường hợp người phải thi hành án có tài khoản, tài sản gửi giữ.
  2. Quyết định phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ phải xác định rõ số tiền, tài sản bị phong tỏa. Chấp hành viên phải giao quyết định phong tỏa cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý tài khoản, tài sản của người phải thi hành án.

Trường hợp cần phong tỏa ngay tài khoản, tài sản của người phải thi hành án ở nơi gửi giữ mà chưa ban hành quyết định phong tỏa thì Chấp hành viên lập biên bản yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý tài khoản, tài sản của người phải thi hành án phong tỏa tài khoản, tài sản đó. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi lập biên bản, Chấp hành viên phải ra quyết định phong tỏa tài khoản, tài sản.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý tài khoản, tài sản phải thực hiện ngay yêu cầu của Chấp hành viên về phong tỏa tài khoản, tài sản. Biên bản, quyết định phong tỏa tài khoản, tài sản trong trường hợp này phải được gửi ngay cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp.

  1. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ra quyết định phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ, Chấp hành viên phải áp dụng biện pháp cưỡng chế hoặc ra quyết định chấm dứt việc phong tỏa theo quy định của Luật này.

Điều 20 nghị định 62/2015 hướng dẫn Điều 67 Luật thi hành án dân sự về biện pháp bảo đảm thi hành án phong tỏa tiền trong tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ

  1. Quyết định phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ phải xác định rõ số tiền, tài sản bị phong tỏa. Chấp hành viên giao quyết định phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ cho người đại diện theo pháp luật của Kho bạc Nhà nước, tổ chức tín dụng, cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ hoặc người có trách nhiệm nhận văn bản của cơ quan, tổ chức đó và lập biên bản về việc giao quyết định.

Biên bản phải có chữ ký của Chấp hành viên, người nhận quyết định phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ. Trường hợp người nhận quyết định phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ không ký thì phải có chữ ký của người chứng kiến.

Quyết định phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ được ban hành sau khi Chấp hành viên lập biên bản phong tỏa theo quy định tại Khoản 2 Điều 67 Luật Thi hành án dân sự phải được gửi ngay cho cơ quan, tổ chức, cá nhân nơi có tài khoản, tài sản đã bị phong tỏa.

  1. Trường hợp người đại diện theo pháp luật hoặc người có trách nhiệm nhận văn bản của cơ quan, tổ chức không nhận quyết định phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ thì Chấp hành viên lập biên bản về việc không nhận quyết định, có chữ ký của người làm chứng hoặc chứng kiến và tiến hành niêm yết quyết định phong tỏa tài khoản, tài sản ở nơi gửi giữ của người phải thi hành án tại trụ sở cơ quan, tổ chức đó.

Người đại diện theo pháp luật hoặc người có trách nhiệm nhận văn bản của cơ quan, tổ chứckhông nhận quyết định phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật và phải bồi thường nếu có thiệt hại xảy ra.

  1. Chấp hành viên có trách nhiệm bảo mật các thông tin về tài khoản, tài sản của người phải thi hành án bị áp dụng biện pháp bảo đảm khi được Kho bạc Nhà nước, tổ chức tín dụng, cơ quan, tổ chức, cá nhân nơi có tài khoản, tài sản cung cấp.

Trình tự thủ tục

Theo quy định tại Điều 66, 67 Luật thi hành án dân sự 2008, sửa đổi bổ sung 2014 quy định về quy trình thực thi phong tỏa ngân hàng như sau:

Thứ nhất, Chấp hành viên có thể tự mình hoặc theo yêu cầu của đương sự áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản khi có căn cứ cho thấy người có nghĩa vụ thi hành án có tài khoản và đang có dấu hiệu tẩu tán, trốn tránh nghĩa vụ thi hành án. Như vậy, đây là quyền hoàn toàn chủ động của chấp hành viên trong việc phong toả tài khoản của người phải thi hành án và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Thứ hai, sau khi ra quyết định phong tỏa tài khoản, Chấp hành viên phải giao quyết định phong toả tài khoản cho cơ quan, tổ chức đang quản lý tài khoản của người phải thi hành án. Các cơ quan, tổ chức quản lý tài sản của người phải thi hành án thường là ngân hàng, kho bạc hay một số tổ chức tín dụng khác bởi đây là những tổ chức có chức năng thực hiện các giao dịch qua tài khoản.

Thứ ba, sau khi nhận được quyết định phong tỏa tài khoản, cơ quan, tổ chức đang quản lý tài khoản phải thực hiện ngay quyết định của Chấp hành viên về phong toả tài khoản. Theo đó, các cơ quan, tổ chức này phải thực hiện “khóa” việc chuyển dòng tiền trong tài khoản ra ngoài.

Thứ tư, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ra quyết định phong tỏa tài khoản, Chấp hành viên phải thực hiện biện pháp cưỡng chế khấu trừ tiền trong tài khoản của người phải thi hành án. Theo đó, Chấp hành viên sẽ ra quyết định khấu trừ tiền trong tài khoản của người phải thi hành án và chuyển giao quyết định này cho cơ quan, tổ chức quản lý tài sản của người phải thi hành án. Tiếp theo, các cơ quan, tổ chức này sẽ phải thực thi quyết định của Chấp hành viên bằng việc khấu trừ số tiền mà người phải thi hành án phải trả để chuyển vào tài khoản của cơ quan thi hành án hoặc cho người được thi hành án.

Trên đây là ý kiến tư vấn pháp luật của chúng tôi.

Mọi thắc mắc xin liên hệ tới Hotline: 0824096999 hoặc gửi vào Email: vplsanhtrongtin@gmail.com để gặp Luật sư tư vấn trực tiếp và yêu cầu cung cấp các dịch vụ khác. Chúng tôi rất mong được các câu hỏi tư vấn và ý kiến đóng góp của các bạn.

Xin chân thành cảm ơn!