Cho vay không có giấy tờ, khi ly hôn có đòi lại được không?
Câu hỏi của bạn:
Kính chào Luật sư, hiện tôi đang có thắc mắc cần giải đáp, mong Luật sư trợ giúp:
Năm 2016, tôi có cho vợ chồng em gái tôi vay 10 cây vàng, vì là chị em ruột nên không có viết giấy tờ hay hợp đồng vay tài sản. Đến nay, vợ chồng em gái tôi ly hôn ra tòa, tôi muốn gửi đơn đến Tòa yêu cầu em rể tôi trả lại số vàng có được không? Liệu số vàng tôi đã cho vay có đòi lại được không khi mà em rể tôi không thừa nhận có việc mượn vàng của tôi? Xin chân thành cảm ơn Luật sư.
Câu trả lời của Luật sư:
Chào bạn! Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn pháp luật đến Luật Ánh Trọng Tín. Chúng tôi xin đưa ra quan điểm tư vấn cho bạn như sau:
Căn cứ Pháp lý:
Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014
Nội dung tư vấn:
Thứ nhất, về Hợp đồng vay tài sản
Căn cứ Điều 463 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định về Hợp đồng vay tài sản thì:
“Điều 463. Hợp đồng vay tài sản
Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định”.
Thứ hai, bạn hoàn toàn có quyền gửi đơn khởi kiện đến Tòa án yêu cầu giải quyết tài sản mà em rể bạn đã vay bạn là 10 cây vàng do đây là tranh chấp về hợp đồng dân sự. Căn cứ theo khoản 3 Điều 26 Bộ Luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định về những tranh chấp dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án:
“Điều 26. Những tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án
- Tranh chấp về giao dịch dân sự, hợp đồng dân sự.”
Thứ ba, như thông tin bạn đã cung cấp cho chúng tôi thì trường hợp bạn cho vợ chồng em gái bạn vay tài sản là 10 cây vàng được xác định là nợ chung do vợ chồng em gái bạn tại thời điểm vay chưa có quyết định ly hôn của Tòa án. Do đó vợ chồng em gái bạn có nghĩa vụ phải cùng trả khoản nợ này.
Căn cứ Điều 37 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, vợ, chồng phải cùng trả các khoản nợ thuộc các trường hợp sau đây:
“1. Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm;
2. Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;
3. Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung;
4. Nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình;
5. Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật dân sự thì cha mẹ phải bồi thường;
6. Nghĩa vụ khác theo quy định của các luật có liên quan.”
Việc bạn chỉ yêu cầu em rể bạn hoàn trả lại số tài sản (cụ thể là 10 cây vàng) mà bạn đã cho vợ chồng em gái bạn vay là không có căn cứ. Bên cạnh đó bạn cũng không có tài liệu chứng minh và người làm chứng; lời khai của bạn với Tòa cũng không đủ tính khách quan do bạn là chị ruột của vợ em rể bạn. Vì vậy, khi bạn có yêu cầu Tòa án giải quyết việc yêu cầu em rể bạn hoàn trả lại tài sản đã vay được xác định là nợ chung này thì Tòa án sẽ không xem xét và chấp nhận yêu cầu này.
Trên đây là ý kiến tư vấn pháp luật của chúng tôi. Mọi thắc mắc xin liên hệ tới
Hotline: 0824096999 hoặc gửi vào Email: vplsanhtrongtin@gmail.com để gặp Luật sư tư vấn trực tiếp và yêu cầu cung cấp các dịch vụ khác. Chúng tôi rất mong được các câu hỏi tư vấn và ý kiến đóng góp của các bạn.
Xin chân thành cảm ơn!
Trân trọng.